(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Văn bia chẳng chép, sử ký cũng chưa ghi, tuy nhiên truyền ngôn trong Nhân dân còn mãi câu ca về sự đối đáp ý nhị giữa chàng trai chất phác và cô gái thôn dã. Yêu nhau đã mấy mùa mưa nắng, trải bao gian truân nhọc nhằn, vui buồn sướng khổ, hoa đến thì hoa nở, cô gái vẫn ướm thử lòng chàng: Thiếu gì hoa lý hoa lài/ Mà anh lại chuộng hoa khoai trái mùa. Không một phút đắn đo, do dự, chàng trai đáp: Hoa khoai chịu nắng chịu mưa/ Hoa lài hoa lý chưa trưa đã rầu.
Đúng là “trời nắng mà hoa không héo” mới quý mới lạ – ấy là loài hoa dân dã kiên trinh, chịu nắng nỏ, thêm cả mưa dầm. Thảo thơm thật thà rau khoai lang quê nhà. Mới hôm nào chỉ là mấy ngọn khoai lơ xơ, được nắng được mưa đã nảy chồi đơm lá, bò ra vươn dài xanh rờ rỡ trở thành những vồng những luống, đầy đặn. Đói lòng ăn nắm lá khoai/ Đừng thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.
Nhớ lần tiếp nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Duy cùng với lãnh đạo Báo Thanh Hóa và nhà văn Viên Lan Anh ở nhà hàng Rừng trong phố. Mọi người lo gọi món này món kia, cho phép ai cũng được “đi chợ”. Đến lượt Nguyễn Duy chỉ yêu cầu rau khoai lang luộc chấm mắm cáy. Thật xứng danh cho Rừng trong phố trong cung cách phục vụ ăn uống. Bữa ấy nước mắm nam ngư cũng sẵn nên “bộ đôi” này thật hợp. Mọi bận người ta thường chỉ chấm nước mắm nam ngư nhỉ, pha chanh và tỏi ớt, ông khách lạ biệt này yêu cầu nước mắm nam ngư cáy, coi bộ thật sành điệu. Tôi đọc được ý nghĩ ấy trong mắt nhân viên phục vụ và thấy cảm phục cũng muốn nói rằng Nhà thơ Nguyễn Duy là nhà văn hóa và ông rất sành ăn uống, rất ưa mùi vị quê nhà dân dã và có vốn hiểu biết thâm hậu về ăn uống 3 miền Bắc – Trung – Nam. Lần nào về quê ông đều cùng chúng tôi đi ăn món quê nơi vỉa hè đường phố và nói chuyện đời, chuyện nghề rôm rả. Dịp khai trương khách sạn Mường Thanh tôi có vinh dự cùng ông đến mở hàng cho lấy may. Bữa tiệc hôm ấy hai món chủ đạo để đãi ông theo sở thích cũng chỉ là khoai lang luộc và rau khoai xào tỏi.
Ngồi trong khách sạn 4 sao sang trọng sao cứ miên man nhớ về tuổi thơ và những ngày theo mẹ đi làm nơi đồng xa, bãi vắng. Làm nông nghiệp ở xứ mà có cả đồng cả bãi thật thú, trồng cả lúa, cả hoa màu mới thật phong phú. Tôi đã kịp giữ lại cái cào khoai mà cán đã lên nước bóng do tay bà tay mẹ, tay tôi cào nên những vồng khoai thời thanh thiếu và đặt trang trọng trong phòng sưu tập của cá nhân mình xem như tình yêu chẳng mất bao giờ. Những ngày xưa thân ái luôn trở về với những kỷ niệm đẹp. Sau mỗi buổi đi làm đồng về thế nào mẹ cũng hái đầy nón ngọn rau khoai. Mẹ đi giữa hai vồng khoai và lựa ngọn mới ra mập ú hái về. Hôm thì luộc, hôm thì nấu canh tép, hôm thì làm nộm. Mẹ khéo léo luộc ngọn khoai vừa chín tới, vớt ra rá và tải đều cho rau xanh và chóng nguội, nước mắm nam ngư pha mới khéo làm sao, những ánh tỏi nhỏ li ti giữa chén con nước mắm nam ngư hung đỏ, vài lát ớt thải sợi nhỏ dập dờn, cái vị chua nhuốt nhuốt thơm của hương chanh khêu gợi. Cách mẹ làm nộm rau khoai diệu nghệ hơn nhiều. Cũng là ngọn khoai, là chanh, tỏi ớt và gừng, lạc vừng đi qua tay mẹ sao hòa thấm dâng hương. Ở với mẹ đúng là ăn rau tháo khoán, tha hồ mà ăn bởi của nhà làm ra.
Giờ thì rau khoai không còn thật thà nữa, vào khách sạn, nhà hàng nó đã lên ngôi, ít nhiều đem lại lợi nhuận. thực khách thấy ngon, thấy thú, thấy tuổi thơ, quê cũ, người xưa cũng đổ về xốn xang những hoài niệm, chỉ đến khi trả tiền mới hay rằng số tiền món rau khoai dẫu là luộc, xào tỏi hay nấu canh tép cũng ngót nghét bạc trăm. Bạc trăm với mẹ thì là cả một dở cơm đầy đủ cá, rau thơm thảo của đồng quê. Khi ấy có chút thảng thốt giật mình nghĩ về quê về mẹ và thấy thêm yêu sao những vồng khoai xanh sắc thắm quê nhà.
Nguyễn Hữu Ngôn